Lần đầu cho con đi học, bố mẹ thường rất lo lắng về việc chọn trường cho con và làm thế nào để con thích nghi với trường học học.
Những chia sẻ từ TS. Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Đào tạo của Hệ thống Giáo dục Tsubaki về những tiêu chí chọn trường phù hợp cho con và n
NHỮNG TIÊU CHÍ CHỌN TRƯỜNG PHÙ HỢP
Để không phải lo lắng, áp lực đối với việc đi học của trẻ, để có thể an tâm gửi gắm và đồng hành cùng trường học trong giáo dục trẻ; bố mẹ nên xem xét các tiêu chí dưới đây khi chọn trường cho con:
- Xác định Phương châm giáo dục và chương trình học của trường có phù hợp với quan điểm giáo dục của bố mẹ hay không.
- Bố mẹ hãy đến thăm trường để cảm nhận không khí ở trường, quan sát trẻ ở trường và cách cô trò chuyện, cách cô thể hiện sự tôn trọng và yêu thương với trẻ.
- Chọn trường phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình. Điều này giúp bố mẹ an tâm, không áp lực để phối hợp tốt cùng trường chăm sóc và giáo dục trẻ. Bởi với trẻ ở độ tuổi mầm non, vai trò giáo dục của bố mẹ vẫn có ảnh hưởng rất lớn.
- Xem xét khoảng cách địa lý. Với tình trạng giao thông và chất lượng không khí hiện nay, bố mẹ không nên chọn trường quá xa để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và thuận tiện cho việc đưa đón con.
CÁCH CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO CON TRƯỚC KHI ĐI HỌC
Lần đầu tiên rời xa vòng tay bố mẹ để đến với một môi trường mới lạ, chắc chắn trẻ cần thời gian để làm quen, thích nghi và rồi trở nên yêu thích việc đến trường. Nhưng không chỉ trẻ, ngay cả bố mẹ cũng cần có tâm lý sẵn sàng trước giai đoạn “giông bão” nhỏ – lần đầu tiên con đi học.
Một số lưu ý nhỏ hữu ích cho bố mẹ:
- Chuẩn bị kỹ càng về nề nếp – thói quen sinh hoạt – tâm lý cho trẻ trước khi đi học
– Bố mẹ hãy tìm hiểu về giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, học tập ở trường và giúp con làm quen với giờ giấc này ở nhà để con dễ bắt nhịp hơn lúc đi học.
– Hãy tập cho con các thói quen tự lập cơ bản như: tự cầm cốc uống nước, biết gọi cô khi con muốn đi vệ sinh, hiểu được những từ, cụm từ cơ bản.
– Chuẩn bị tâm lý cho con theo “lộ trình”:
(1) Bố mẹ nên đưa trẻ đến trường để làm quen trong 2 – 3 buổi, 1 – 2 tiếng mỗi buỗi và có thể vào buổi chiều từ sau 4 giờ – thời điểm con được chơi và làm quen với cô và các bạn.
(2) Khi đi học chính thức:
– Buổi đầu tiên và buổi kế tiếp bố mẹ nên gửi trẻ khoảng 3 – 4 tiếng ở trường, đón con về sau giờ ăn trưa.
– Buổi thứ ba, thứ tư, nếu trẻ không khóc nhiều, bố mẹ có thể gửi con ở lớp và đón con lúc 3 – 4 giờ chiều.
– Hết tuần đầu tiên, bố mẹ có thể để con ở lớp cả ngày với cô và các bạn.
(3) Bố mẹ hãy tin tưởng rằng con đủ mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn đầu đời này. Mỗi ngày trước khi vui vẻ tạm biệt con, hãy ôm con thật chặt trong vài giây: “Con hãy chơi thật vui vẻ cùng các bạn nhé. Mẹ đi làm đây”, và khi đón con hãy ôm con và nói “Con mẹ cố gắng lắm. Mẹ rất vui vì có thể an tâm đi làm”. Về đến nhà hãy dành ra 15 phút để ôm ấp, khích lệ con thật nhiều vào.
Đối với con trẻ cái ôm của mẹ, nụ cười của mẹ cùng lời nói khích lệ là món quà quý giá hơn mọi phần thưởng vật chất.
BỐ MẸ CŨNG CẦN CÓ TÂM LÝ SẴN SÀNG KHI LẦN ĐẦU CHO CON ĐI HỌC
- Bố mẹ đừng nôn nóng sốt ruột khi con chưa quen lớp nhanh
Hầu hết các bố mẹ sẽ lo lắng khi thấy con khóc, con lâu quen lớp, con không chịu đi học sau 1 – 2 buổi đầu. Nhưng trẻ cần thời gian để quen với môi trường mới và càng cần thời gian để có thể hòa đồng, yêu thương và tin tưởng cô giáo và các bạn.
Trẻ cần ít nhất 1 – 2 tháng (3 – 4 tháng với trẻ dưới 1 tuổi) để hình thành sự tin tưởng, yêu thương với cô giáo và trường lớp. Khi cô giáo cho trẻ cảm giác an toàn và tin tưởng thông qua việc ôm ấp, thừa nhận nhu cầu cảm xúc, dẫn dắt con vào các hoạt động thì dần dần con sẽ bắt đầu vui vẻ để đến trường.
(2) Hãy thật bao dung và thật hiểu cho tâm lý của con
Khi mới đi nhà trẻ, cả một ngày trẻ chịu nhiều mệt mỏi, áp lực tâm lý khi phải xa bố mẹ. Nên khi được ở cạnh mẹ, trẻ luôn muốn được ôm, được bế và làm nũng. Vì vậy mẹ hãy thật bao dung với những đòi hỏi ấy của con.
(3) Hãy đáp ứng nhu cầu của bé ngay khi có thể:
Trẻ dưới 3 tuổi vốn chưa học được cách kiềm chế cảm xúc, chưa biết kiên nhẫn nên những câu như “Đợi mẹ một lát đã. Từ từ đã mẹ đến…” hầu như không hiệu quả khi trẻ làm nũng, ăn vạ. Vì thế khi con khóc đòi bế là con đang muốn được thỏa mãn nhu cầu tình cảm, nên bố mẹ cố gắng dừng việc đang làm, chạy đến ôm con vào lòng một chút và vỗ về: “Ừ, mẹ đây. Con mẹ buồn à. Hôm nay đi nhà trẻ cả ngày mệt quá mà. Mẹ biết rồi. Con của mẹ cố gắng lắm”.
(4) Đừng thuyết giáo khi con đang khóc
Dù đang bực tức hay mệt mỏi cũng đừng thuyết giáo, đừng mắng trẻ: “Mẹ bảo đợi mẹ một tí rồi mà. Có nín ngay không. Mẹ còn phải nấu cơm chứ”. Bởi lúc này điều mà trẻ muốn là được mẹ ở cạnh, vì vậy lúc này bố mẹ chỉ cần ôm con trong yên lặng để con bình tĩnh và nín khóc trước. Sau đó hãy giúp con chuyển sự chú qua đồ hơi hoặc quan sát mẹ làm việc nhà và nghe mẹ trò chuyện.
NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ NÊN TRÁNH
– Đừng lo lắng thái quá khi con khóc, không ăn, thi thoảng ngủ nói mơ. Vì đôi khi ba mẹ lo lắng quá cũng sẽ khiến con cái bị ảnh hưởng mà căng thẳng theo. hãy vui vẻ, lạc quan và tin rằng ừ không sao đâu, con làm được thôi.
– Đừng hỏi ”Con thích cô nào hơn” và dựa vào câu trả lời của con để đánh giá giáo viên. Vì tầm tuổi này trẻ con chưa ý thức được trách nhiệm với lời nói của mình, tâm trạng còn thay đổi thất thường, và đôi khi còn tùy thuộc thái độ biểu cảm của ba mẹ mà đưa ra câu trả lời. Vấn đề phán đoán giáo viên phải chính bản thân mình cảm nhận. Đôi khi chỉ vì câu nói của con mà có cái nhìn định kiến với giáo viên là điều rất đáng tiếc.
– Tránh hỏi các câu nhàm chán “Hôm nay con chơi ở lớp có vui không” vì nó chỉ có đáo án có-không chứ không khơi gợi hứng thú cho trẻ trả lời. Hãy để tự trẻ bắt đầu kể hoặc hỏi câu hỏi mở: Hôm nay con đi học thế nào?
– Ngày nghỉ hay cuối tuần đừng nhắc gì liên quan đến nhà trẻ hay việc đi trẻ, hãy để ngày đó hoàn toàn là ngày nghỉ ngơi với trẻ.